Thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên gần đây đã có tín hiệu khả quan khi nhiều dự án giao dịch đã bắt đầu tăng trở lại.
Tiêu thụ tăng
Theo ông Trần Hiếu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn DKRA, những dự án sạch sẽ về pháp lý, tiến độ thanh toán dài hơi, số tiền thanh toán được chia nhỏ, chủ đầu tư uy tín, có tiện ích tốt vẫn được khách hàng tin tưởng chọn mua.
Tâm lý của nhiều người hiện nay là thích đầu tư bất động sản an toàn, sản phẩm thật và xây tốt. Đặc biệt thanh toán càng dài và càng chẻ nhỏ khách hàng càng thích mua. Điển hình như Công ty HTL mới mở bán dự án ở H.Hóc Môn (TP.HCM) có giá bán khoảng hơn 30 triệu đồng/m2 và tiến độ thanh toán được kéo dài lên đến 5 năm theo dạng trả góp đã bán được khoảng gần 400 căn hộ và thu về được khoảng 200 tỉ đồng trong đợt đầu tiên. Phân khúc cao cấp của các chủ đầu tư uy tín với pháp lý "sạch", chính sách thanh toán kéo dài vẫn bán được hàng.
Điển hình như dự án The Classia Khang Điền (TP.Thủ Đức) mỗi tuần bán 8 căn, với tổng doanh thu ước tính khoảng 200 tỉ đồng tiền hàng. De La Sol (Q.4) của Capital Land mỗi ngày giao dịch trung bình 3 - 4 căn, với giá trị trung bình 7 tỉ đồng/căn. Dự án The Maq (Q.1) của Hongkong Land theo ghi nhận tuần qua bán 7 căn, với giá trị giao dịch tầm 20 - 25 tỉ đồng/căn hay mới đây Keppel Land tung ra 100 căn Celesta (H.Nhà Bè) thì chỉ trong một ngày đã giao dịch hơn 70% rổ hàng, bởi dự án này chính sách thanh toán cũng kéo dài, mỗi tháng khoảng 1% giá trị căn hộ.
Nhiều dự án đã bắt đầu có giao dịch trở lại
Ông Đào Ngọc Duyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thế Giới Bất Động Sản, thông tin tại dự án Vinhomes Grand Park (TP.HCM) khoảng 1 tháng trở lại đây cũng đã có những tín hiệu lạc quan khi số lượng căn hộ bán ra khá nhiều. Đối với phân khúc nhà phố, đất nền tại TP.HCM những ngày gần đây cũng đã có khởi sắc hơn. Những bất động sản bán lỗ đã được nhiều người có tiền mua hết. Giao dịch đã bắt đầu nhiều trở lại, nhất là những sản phẩm có vị trí đẹp, có lợi thế về kinh doanh.
Tại Hà Nội, theo đơn vị nghiên cứu thị trường của One Mount Group, trong quý 1, nguồn cung sơ cấp căn hộ chung cư ở Hà Nội đạt 760 căn. Trong khi đó, lượng tiêu thụ ở thị trường sơ cấp quý 1 là 1.800 căn; khoảng 57% người mua với mục đích để ở. Số lượng nguồn cung và lượng tiêu thụ chủ yếu đến từ phía đông và phía tây Hà Nội. Số lượng căn hộ tiêu thụ sơ cấp cao hơn số lượng nguồn cung sơ cấp không chỉ thể hiện quỹ căn mới ra có tỷ lệ hấp thụ cao, mà lượng hàng còn lại của các quý trước cũng được tiêu thụ trong quý này.
Các dự án tạo nguồn cung chung cư chủ yếu tập trung ở gần một số tuyến đường như Vành đai 3 và Vành đai 3,5 với gần 43% đến từ các quận phía tây Hà Nội và khoảng 45% đến từ các quận phía đông Hà Nội. Dự án trong các đại đô thị như Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City đóng góp gần 60% nguồn cung cả thị trường, chiếm hơn 50% giao dịch căn hộ trung và cao cấp toàn thị trường, với khoảng 700 căn hộ được bán ra trong vòng 1 tháng qua.
Tại khu nam và khu trung tâm Hà Nội, các chủ đầu tư đẩy mạnh bán nốt quỹ hàng đã mở bán trước đó thay vì ra hàng mới. Trong quý 1, tại khu vực phía đông Hà Nội và H.Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) ghi nhận lượng căn hộ chung cư mở bán và tiêu thụ đạt lần lượt gần 40 căn và 330 căn chung cư tại các đại đô thị Ocean Park.
Ông Phan Ngọc Minh (45 tuổi, ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội), đang làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia, chia sẻ sau dịch Covid-19, số lượng người nước ngoài trở lại VN làm việc đang tăng lên kéo theo nhu cầu thuê nhà tăng. Nhận thấy cơ hội nên vợ chồng ông Minh quyết định rút khoản tiền mặt gửi lấy lãi tiết kiệm ở ngân hàng ra đầu tư căn hộ chung cư cho thuê. "Khi lãi suất giảm, gửi tín dụng không còn là kênh sinh lời tốt. Trong bối cảnh hiện nay có rất ít kênh đầu tư an toàn. Vì thế, tôi định hướng mua một số căn hộ, đầu tư nội thất để cho thuê. Do nhu cầu ở thực tại thành phố tăng nên dòng tiền lãi từ việc đầu tư sẽ ổn định hơn, cao hơn là gửi tiết kiệm ngân hàng", ông Minh nói.
Phòng công chứng đã nhộn nhịp
Ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty Asian Holding, thông tin công ty đang mở bán một dự án ở Đồng Nai. Giai đoạn 1 bán gần 100 nền đất sổ đỏ. Hiện đã có 15 đại lý, với gần 500 nhân viên môi giới tham gia. Để bán được hàng, công ty đưa ra mức giá khá "mềm", giảm biên độ lợi nhuận, giãn tiến độ thanh toán cho khách hàng lên 12 tháng dù mỗi nền đã có sổ đỏ có thể công chứng, sang tên được ngay.
"Hiện ngân hàng đã cho vay và lãi suất thấp cộng với chính sách thanh toán kéo dài đến 12 tháng nên tín hiệu cũng khá lạc quan. Mục tiêu của công ty là có sản phẩm, xây dựng cộng đồng để bán hàng, tạo việc làm cho nhân viên. Thị trường khủng hoảng nhưng những sản phẩm đất nền khoảng 1 tỉ đồng vẫn có thể bán được. Chúng tôi xác định năm nay làm không vì lợi nhuận mà phải làm, phải tìm mọi cách để vực dậy thị trường, không thể ngồi chờ chết", ông Hậu quyết tâm.
Cùng với tình trạng nguồn cung khan hiếm nên những dự án chung cư pháp lý đầy đủ, chủ đầu tư uy tín, chất lượng xây dựng tốt với đa dạng tiện ích, không gian sống xanh, có vị trí kết nối thuận tiện với khu vực trung tâm vẫn luôn có giao dịch. Những dự án này thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư sẵn tiền mặt, vì khả năng khai thác tốt, ít chịu ảnh hưởng bởi những biến động của thị trường, có tính ổn định giống như nhà đất TP.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản VN
Khảo sát tại Phòng công chứng số 3 trên địa bàn TP.Thủ Đức (thuộc Sở Tư pháp TP.HCM), từ đầu năm đến đầu tháng 2.2023 giao dịch chậm, nhưng 3 tuần trở lại đây số lượng hồ sơ công chứng tại phòng giao dịch đã trở lại khoảng hơn 50% so với giao dịch bình thường trước đây là thời điểm trước dịch Covid-19 khoảng năm 2020. Trong khi so với cùng kỳ năm ngoái thì giao dịch đã trở lại khoảng 80%. Đa số các giao dịch ở phòng công chứng là hồ sơ thế chấp và hồ sơ mua bán. Trong đó hồ sơ thế chấp là cao nhất.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản VN, cho biết trong năm 2023, Hà Nội dự kiến chi 52.600 tỉ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, TP.HCM được Chính phủ phân bổ 70.518 tỉ đồng vốn đầu tư công, bao gồm vốn ngân sách T.Ư là 15.292 tỉ đồng, vốn địa phương là 55.225 tỉ đồng, tăng gần 2 lần so với năm 2022. Nguồn vốn này sẽ tập trung vào việc khởi công và hoàn thiện các tuyến đường vành đai, tạo tiền đề cho sự phát triển của những khu vực ngoài trung tâm TP.Hà Nội, TP.HCM trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một số huyện ngoại thành của Hà Nội như Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì… đang được đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để đủ điều kiện lên quận. Vì thế, bất động sản ở Hà Nội và các vùng lân cận sẽ được hưởng lợi rất nhiều.
Cũng theo ông Đính, những tháng đầu năm 2023, dòng tiền đầu tư đã dần quay trở lại khi yếu tố tâm lý được phục hồi, trạng thái dè dặt, nghe ngóng không còn nhiều. Tuy nhiên, sau "cơn bão", hướng đi của dòng tiền nay đã khác. Đầu tư theo đám đông, lướt sóng ngắn hạn, sử dụng đòn bẩy tài chính cao… đã dần bị loại bỏ. Theo đó, dòng tiền đang chảy vào phân khúc sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực và có khả năng gia tăng giá trị trong dài hạn với sự thận trọng cần thiết, ít có đầu cơ.
Bình luận